Bạn đang tìm cách tính giá bán sản phẩm hợp lý để bắt đầu kinh doanh online? Việc định giá sản phẩm không chỉ là cộng chi phí và thêm lợi nhuận, mà còn là nghệ thuật kết hợp giữa thị trường, tâm lý người mua và mục tiêu kinh doanh. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ 6 chiến lược định giá phổ biến và hiệu quả nhất, giúp bạn lựa chọn cách tính giá bán sản phẩm phù hợp nhất với thị trường Việt Nam hiện nay.
I. Cách Tính Giá Bán Sản Phẩm & Tối Ưu Chi Phí

1. Cách Tính Giá Bán Sản Phẩm
Công thức tính giá bán sản phẩm:
Giá bán = (Giá vốn + Phí sàn + Phí vận hành + Lợi nhuận kỳ vọng) / (1 – Phí phát sinh)
Trong đó:
- Giá vốn sản phẩm là chi phí bạn phải bỏ ra để có sản phẩm. Bao gồm (Giá nhập hàng từ nhà cung cấp, phí vận chuyển nhập hàng về kho của bạn, thuế nhập khẩu)
- Phí sàn là khoản phí mà người bán phải trả cho sàn giao dịch TMĐT khi bán hàng trên nền tảng đó. Phí bán hàng cơ bản các sàn (Đã bao gồm thuế TNCN) như sau:
- Phí sàn Shopee: khoảng 8% – 16.5%
- Phí sàn TikTok Shop: khoảng 10,5%
- Phí sàn Lazada: khoảng 10,5%
- Chi phí vận hành bao gồm: Nhân sự xử lý đơn (chăm sóc khách, gói hàng…). Vật liệu đóng gói (hộp, băng dính, túi…). Chi phí phần mềm quản lý (nếu có). Thông thường dao động từ 2% – 10% tùy mô hình.
- Lợi nhuận mong muốn: Bạn nên đặt mục tiêu tối thiểu lợi nhuận ròng từ 15% – 30% (sau khi trừ toàn bộ chi phí).
- Phí phát sinh: Đơn bị hoàn hoặc hư hỏng trung bình khoảng 3% – 5% giá trị sản phẩm
Ví dụ:
- Giá vốn: 100.000đ
- Phí sàn TMĐT 18%: 18.000đ
- Phí vận hành 3%: 3000đ
- Lợi nhuận mong muốn 25%: 25.000đ
- Phí phát sinh 2%
👉 Giá bán hợp lý = (100.000 + 18.000 + 3.000 + 25.000) / (1 – 0,02) ≈ 149.000đ
Thông thường khi bạn xác định được giá bán sản phẩm là 149.000đ thì khi đăng sản phẩm lên shop bán hàng thì không nên để giá trực tiếp là 149.000đ mà hãy tăng giá sản phẩm lên 1 chút để sau này có thể làm các mã giảm giá thu hút người mua hàng hơn. Ví dụ mình muốn đăng sản phẩm và làm mã khuyến mãi giảm 20% giá trị sản phẩm tại shop Shopee
– Cách tính: 149.000 + (149.000 x 25%) =186.250đ
Vậy khi đăng sản phẩm lên shop mình sẽ đăng với giá 186.250đ. Sau khi tạo mã giảm giá 20% trên kênh Marketing Shopee giá hiển thị trên shop sẽ còn 149.000đ
2. Tối Ưu Chi Phí Bằng Quản Lý Tồn Kho Chặt Chẽ
Tránh tồn kho dư thừa và tối ưu tốc độ xoay vòng hàng hóa là cách tiết kiệm chi phí rõ rệt nhất:
- Tồn kho tối ưu – nhập vừa đủ
- Xoay vòng nhanh – giảm thời gian hàng nằm kho
- Dự báo chính xác nhu cầu – sử dụng dữ liệu bán hàng để lập kế hoạch
– Công thức đo hiệu suất kho:
ITR (vòng quay tồn kho) = Giá vốn hàng bán / Tồn kho trung bình
- 6 lần/năm → Tốt
- <3 lần/năm → Cần tối ưu kho
3. Tối Ưu Quy Trình Vận Hành
- Đóng gói sản phẩm đúng kích thước, tiết kiệm nhất để giảm phí ship tính theo thể tích
- Cài đặt thông số kích thước cân nặng sản phẩm sát với thực tế và là con số nhỏ nhất
- Sử dụng các vật kiệu đóng gói giá rẻ
- Tích hợp hệ thống quản lý kho, đơn, khách hàng – giảm nhu cầu vận hành thủ công
- Quản lý chặt chẽ đơn hoàn hàng và đơn bom hàng
II. 6 Chiến Lược Định Giá Sản Phẩm Cho Người Mới Bán Hàng Online
1. Định Giá Sản Phẩm Theo Chi Phí Cộng Thêm (Cost-Plus Pricing)

Bạn bắt đầu bằng cách tính tổng chi phí đầu vào bao gồm: chi phí nhập hàng hoặc sản xuất, vận chuyển, đóng gói, quảng cáo, nền tảng bán hàng, v.v… Sau đó, cộng thêm một tỷ lệ lợi nhuận mong muốn (thường từ 20% đến 50%) để xác định giá bán cuối cùng.
– Ưu điểm: Dễ tính, đảm bảo bạn luôn có lợi nhuận. Không cần phân tích thị trường quá sâu.
– Nhược điểm: Có thể thiếu tính cạnh tranh, đặc biệt nếu chi phí đầu vào cao. Không linh hoạt khi thị trường biến động. Có thể bị đối thủ cạnh tranh bằng giá thấp hơn.
Chiến lược này phù hợp với người mới bắt đầu hoặc khi bạn bán sản phẩm độc quyền hoặc có chi phí ổn định. Hãy tính toán chi phí một cách chính xác để tránh bán lỗ mà không nhận ra.
2. Định Giá Sản Phẩm Theo Đối Thủ Cạnh Tranh (Competitive Pricing)
Bạn hãy khảo sát mức giá bán mà các đối thủ đang bán sản phẩm tương tự trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, website. Sau đó quyết định đặt giá bán sản phẩm:
- Thấp hơn nếu bạn mới bắt đầu và muốn thu hút khách hàng.
- Tương đương nếu chất lượng, dịch vụ tương đương.
- Cao hơn nếu bạn có giá trị gia tăng vượt trội như bảo hành, đóng gói đẹp, chăm sóc khách hàng tốt.
– Ưu điểm: Dễ tiếp cận khách hàng, tăng tỷ lệ chuyển đổi. Hiểu rõ mức giá thị trường đang ở đâu.
– Nhược điểm: Dễ bị cuốn vào cuộc chiến giá, làm giảm lợi nhuận. Cần liên tục theo dõi đối thủ để điều chỉnh giá phù hợp.
Chiến lược này rất hiệu quả khi bạn mới tham gia thị trường cần tạo tệp khách hàng đầu tiên. Nếu sản phẩm của bạn đắt hơn, hãy truyền thông tốt giá trị để khách hàng thấy sự khác biệt đáng giá.
3. Định Giá Sản Phẩm Hớt Váng Thị Trường (Price Skimming)

Khi bạn tung ra sản phẩm mới, hãy định giá cao hơn mức trung bình, nhắm đến nhóm khách hàng đầu tiên sẵn sàng chi trả để sở hữu sản phẩm được trải nghiệm sớm. Sau một thời gian, bạn có thể giảm giá dần khi thị trường bão hòa để mở rộng tệp khách hàng.
– Ưu điểm: Tối ưu hóa lợi nhuận ban đầu. Tạo cảm giác sản phẩm cao cấp, sang trọng.
– Nhược điểm: Dễ bị đối thủ sao chép và cạnh tranh bằng giá thấp. Không phù hợp với thị trường nhạy cảm về giá như Việt Nam.
Áp dụng hiệu quả khi bạn bán sản phẩm công nghệ, hàng limited, hoặc có nhóm khách hàng trung thành. Cần kết hợp với chiến lược marketing tạo cảm giác “sản phẩm hot, có giới hạn”.
4. Định Giá Sản Phẩm Thâm Nhập Thị Trường (Penetration Pricing)
Đưa ra mức giá thấp hơn đối thủ ngay từ đầu để nhanh chóng thu hút khách hàng và chiếm lĩnh thị phần. Sau khi có được lòng tin và sự quen thuộc, bạn có thể tăng giá dần theo thời gian.
– Ưu điểm: Tạo sức hút lớn với khách hàng mới. Tăng độ phủ thị trường, xây dựng nhận diện thương hiệu nhanh chóng.
– Nhược điểm: Lợi nhuận ban đầu rất thấp hoặc bằng 0. Có thể gây ấn tượng sản phẩm giá rẻ, khó nâng giá về sau nếu khách quen với mua giá rẻ.
Chiến lược này cần có nguồn vốn đủ mạnh để chịu đựng giai đoạn đầu không lời. Phù hợp khi bạn bán sản phẩm phổ thông, có tính cạnh tranh cao và mục tiêu là “phủ thị trường”.
5. Định Giá Sản Phẩm Dựa Trên Giá Trị Cảm Nhận (Value-Based Pricing)
Tập trung vào lợi ích sản phẩm mang lại hơn là chi phí. Bạn cần xác định khách hàng đánh giá sản phẩm dựa trên gì: tiện ích, cảm xúc, hình ảnh, hoặc hiệu quả thực tế – từ đó định giá theo giá trị mà họ cảm nhận được.
– Ưu điểm: Có thể đặt mức giá cao hơn mà khách vẫn sẵn sàng mua. Tập trung vào trải nghiệm và chất lượng, xây dựng thương hiệu vững mạnh. Tăng lợi nhuận bền vững
– Nhược điểm: Khó đo lường chính xác giá trị cảm nhận. Cần đầu tư vào marketing và branding mạnh mẽ.
Rất phù hợp khi bạn bán sản phẩm có câu chuyện thương hiệu, hoặc có tính sáng tạo cao, giúp giải quyết vấn đề rõ ràng cho khách hàng.
6. Định Giá Sản Phẩm Dựa Trên Tâm Lý Khách Hàng (Psychological Pricing)

Sử dụng các yếu tố tâm lý học trong cách đặt giá để khiến khách hàng dễ dàng quyết định mua hơn tăng khả năng mua hàng. Một số phương pháp thường dùng:
- Giá lẻ (Odd Pricing): 99.000 VNĐ thay vì 100.000 VNĐ – tạo cảm giác rẻ hơn.
- Giá mồi nhử (Decoy Pricing): Đưa thêm lựa chọn sản phẩm “dở hơn” để khách chọn gói bạn muốn bán.
- Giá theo gói (Bundle Pricing): Bán combo 2-3 sản phẩm với giá rẻ hơn mua lẻ.
– Ưu điểm: Tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng. Tạo cảm giác “mua hời” cho khách hàng.
– Nhược điểm: Nếu lạm dụng, khách hàng có thể mất niềm tin hoặc cảm thấy bị thao túng.
Chiến lược này dễ áp dụng và hiệu quả nhanh với mọi ngành hàng, đặc biệt là sản phẩm tiêu dùng nhanh, nên kết hợp với các chiến dịch flash sale, khuyến mãi để tăng doanh số.
III. Nên Chọn Cách Tính Giá Bán Sản Phẩm Nào?
Mỗi cách tính giá bán sản phẩm đều có ưu và nhược điểm riêng. Tùy vào giai đoạn kinh doanh, đối tượng khách hàng và loại sản phẩm, bạn có thể:
- Kết hợp nhiều chiến lược linh hoạt (ví dụ: giá thâm nhập + giá tâm lý).
- Theo dõi, thử nghiệm và điều chỉnh liên tục.
- Luôn theo sát thị trường và phản hồi của khách hàng.
– Gợi ý: Nếu bạn mới bắt đầu, hãy bắt đầu với định giá cạnh tranh hoặc định giá chi phí cộng thêm, sau đó nâng cấp sang định giá theo giá trị hoặc tâm lý để tối ưu lợi nhuận.
Việc lựa chọn chiến lược định giá sản phẩm phù hợp không chỉ giúp bạn tăng doanh số mà còn xây dựng hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp và bền vững. Tùy theo loại sản phẩm, giai đoạn kinh doanh và mục tiêu dài hạn, bạn có thể kết hợp nhiều chiến lược với nhau để đạt hiệu quả tốt nhất.
👉 Hãy bắt đầu từ việc hiểu rõ sản phẩm, thị trường mục tiêu và khách hàng của bạn. Đó là nền tảng để bất kỳ chiến lược giá nào cũng có thể phát huy tối đa hiệu quả.